Đừng “ép” con học chữ trước
Chị Liên Hương (ngụ tại Q.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, ngay từ cuối năm lớp Lá ở trường mầm non, chị đã bắt đầu mua sách giáo khoa lớp 1 Toán và Tiếng Việt cho con trai tập viết, tập đọc, tập làm toán để sẵn sàng vào lớp 1 năm học này. Nói về lý do cho bé học trước chương trình, chị cho hay, một số phụ huynh trong lớp ngay từ mấy tháng trước đã cho trẻ học chữ cái, con số nên chị cũng… sốt ruột theo.
Phụ huynh này cũng như các phụ huynh khác đều tỏ ra lo lắng, vì cho rằng, đa số trẻ trước khi vào lớp 1 đều biết đọc, biết viết, nếu con mình chưa biết gì cả sẽ thiệt thòi, theo không kịp các bạn, dẫn đến trẻ bị chán nản.
Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị 2, Q. Bình Tân, TPHCM đưa ra lời khuyên: Phụ huynh đừng quá lo lắng, vì như thế vô tình tạo áp lực cho bé. Để bé phấn khởi chờ đón vào lớp 1, phụ huynh nên cho bé một tâm thế tích cực, như trò chuyện với bé, cùng bé vui chơi với việc làm quen con số, mặt chữ, chứ không phải “ép” con đi luyện chữ cho đẹp, làm toán thuần thục.
Cũng giống như cô Thanh Huyền, thầy Vương Sĩ Đức, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Q. Gò Vấp, TPHCM cho rằng, việc cho trẻ học chữ trước khi học lớp 1 là không cần thiết, bởi nếu khi vô lớp mà bé cầm bút không đúng cách sẽ rất khó sửa. Có nhiều bé đã biết đọc, biết viết rồi, khi vào lớp bé sẽ không tập trung trong giờ học vì không cảm thấy có gì mới, không có hứng thú.
“Theo tôi, phụ huynh nên mạnh dạn để các bé khám phá những điều mới lạ sau mỗi ngày đến trường, nên đồng hành cùng con, lắng nghe và chia sẻ để con luôn tự tin, yêu thích được đi học, thích khám phá, học hỏi, giúp con tự tin, sáng tạo, hòa đồng và biết chia sẻ với các bạn trong lớp”, thầy Sĩ Đức nói.
Đồng quan điểm với các giáo viên, cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho biết, với các con đã biết chữ trước hay chưa thì sau một học kỳ sẽ có trình độ tương đương với nhau, vì vậy phụ huynh không nên cho con đi “luyện” chữ trước, học trước chương trình như vậy là phản khoa học và trái với quy định.
Phụ huynh hãy yên tâm, tin tưởng với nhà trường vì với lớp 1, nhà trường đều bố trí các giáo viên có nhiều kinh nghiệm để làm công tác chủ nhiệm. Vào những tuần đầu năm học, các cô giáo sẽ hướng dẫn, rèn luyện cho các bé từ tư thế ngồi, đến cách lấy sách vở hay cách cầm bút, viết nét… để các bé bắt nhịp.
Học sinh lớp 1 tại TPHCM được chào đón trong ngày đầu tiên tới trường
Rèn kỹ năng cho trẻ
Không nên cho trẻ học chữ trước, nhưng các giáo viên cũng khuyên phụ huynh hãy chú trọng rèn kỹ năng tự phục vụ cho con, trò chuyện với con, tạo cho con sự hứng thú, niềm vui về những điều thú vị đang đợi ở ngôi trường mới.
Theo cô Tống Thị Mai Hương, điều quan trọng, trước khi vào lớp 1, phụ huynh cần trang bị cho bé các kỹ năng tự phục vụ bản thân, biết nghe hiệu lệnh của cô, làm công tác tư tưởng trước cho bé, bởi khác với mầm non, ở lớp 1 có tiết học từng môn, các bé phải tập trung, biết tự dọn sách, tập, đồ dùng học tập, tự xin phép đi vệ sinh. Tuy nhiên, truyền tải điều này cũng phải nhẹ nhàng, từ từ, nếu quá dồn dập cũng làm cho bé có cảm giác sợ.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước khi tựu trường, trường sẽ mời tất cả phụ huynh khối lớp 1 đến để gặp mặt. Tại đây, phụ huynh có những điều gì cần trao đổi, tư vấn sẽ được ban giám hiệu giải đáp. Đây cũng là dịp để nhà trường giới thiệu cho phụ huynh về cơ sở vật chất, về những hoạt động, tạo cho phụ huynh ấn tượng ban đầu về trường.
Bên cạnh đó, trường cũng rất chú trọng đến ấn tượng ban đầu của trẻ với ngôi trường mới, nên ngày tựu trường, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức nhiều hoạt động vui cho trẻ vào lớp 1, cũng như lễ đón các bé rất trang trọng. Mỗi năm, các giáo viên đều nghĩ ra một món quà nhỏ có ý nghĩa tặng các bé vào lớp 1 để tạo niềm vui, hứng khởi cho các bé. Sau khi đón các bé, giáo viên sẽ cho đi tham quan trường, phòng học, thư viện, phòng chức năng, giới thiệu về khu vệ sinh, nhà ăn, vườn cây.
Nói về việc chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TPHCM cho hay, trẻ vừa bước sang một bậc học mới nên sẽ có nhiều thay đổi về tâm lý. Chỉ khi cảm thấy vui, thích trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin đến lớp. Vì vậy, mọi thành viên trong nhà trường hãy “nở nụ cười thân thiện” cùng trẻ và cha mẹ của trẻ. Để trẻ cảm nhận được môi trường thân thiện, gần gũi, cha mẹ, thầy cô hãy hóa thân thành “những người bạn” để cùng học, cùng chơi, cùng trò chuyện với trẻ.