Phương pháp giáo dục Steiner (hay còn gọi là Waldorf); ra đời năm 1919 bởi nhà giáo dục, triết gia người Áo nổi tiếng Rudolf Steiner. Cả trăm năm sau khi ngôi trường đầu tiên theo phương pháp này ra đời tại Đức; Steiner vẫn tiếp tục truyền cảm hứng đến mọi nền giáo dục trên thế giới.
Rudorf Steiner – Chân dung nhà sáng lập phương pháp giáo dục Waldorf
Một môi trường nuôi dưỡng an toàn
Phương pháp giáo dục Steiner nổi tiếng vì đào tạo ra những con người tự do; hạnh phúc, có suy nghĩ, cảm xúc và ý chí. Khi lớn lên, các em sẽ thành người có tư duy phản biện, sáng tạo, có đam mê và lý tưởng, không sợ hãi. Các em có khả năng đối phó với những yêu cầu của một thế giới thay đổi nhanh chóng. Có thể nói, Steiner là phương pháp giáo dục thuận tự nhiên; dựa vào sự phát triển tự nhiên của đứa trẻ, không nhồi ép, không khuôn mẫu.
Lớp học Steiner áp dụng không cạnh tranh, không thưởng, không phạt. Thay vào đó, Steiner đánh thức các khía cạnh thể chất, hành vi, cảm xúc; nhận thức, xã hội và tinh thần của mỗi đứa trẻ. Nhờ đó, phương pháp này thúc đẩy tư duy sáng tạo và tò mò; giúp học trò thấu hiểu bản ngã, nhận biết và làm chủ đam mê, năng lực hành vi.
Cách tiếp cận này khác với cách giáo dục truyền thống – nơi đứa trẻ được truyền đạt kiến thức, phải lao vào cuộc cạnh tranh vào trường chuyên, lớp chọn; với thi đua, thành tích, các kỳ thi căng thẳng. Trong điều kiện ấy, dù có thành công về sự nghiệp, trẻ chưa chắc đã hạnh phúc.
Trường học theo phương pháp giáo dục Steiner là trường học không điểm số. Ở trường Steiner, thay vì phải nỗ lực vượt qua một kỳ thi; chạy theo thành tích, trẻ được tự do khám phá bản thân dưới sự hướng dẫn đầy yêu thương của giáo viên. Các môn học ít xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ quát như chơi nhạc cụ, đan, móc và vẽ lại là các môn học rất được quan tâm trong một ngôi trường Steiner.
Theo phương châm ấy, điều quan trọng nhất đối với Steiner chính là giáo viên. Giáo viên không phải là người đầy quyền uy trong lớp học. Thay vào đó, họ là hình mẫu chân, thiện, mỹ. Các giáo viên là người khơi gợi, dẫn đường để học trò tự học tập bằng sự tự do khám phá các môn học khác nhau; từ ngôn ngữ, toán học, khoa học đến các môn nghệ thuật, thể chất. Từ sự tự do và vui thích đó, trẻ sẽ tìm ra thế mạnh của riêng bản thân mình.
Lớp học theo phương pháp giáo dục Steiner ưu tiên cho các môn chơi nhạc cụ, đan móc, vẽ…
Các chương trình Steiner thường được thiết kế cho trẻ từ 3–18 tuổi hoặc hơn lớn tuổi hơn nữa. Steiner hiệu quả cho tất cả trẻ em ở khắp nơi; không phân biệt khả năng học tập, giai cấp, dân tộc, tôn giáo.
Có thể nói, trường học Steiner là môi trường nuôi dưỡng an toàn, nơi trẻ em được yêu thương, phát triển toàn diện, thuận tự nhiên và tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình.
Steiner với các lứa tuổi
Trẻ mầm non của Steiner học một cách tự nhiên qua việc bắt chước người lớn xung quanh mình. Giáo viên vì thế phải không ngừng tu dưỡng bản thân để trở thành biểu tượng chân, thiện, mỹ của trẻ.
Steiner giúp trẻ mầm non thấm nhuần ý thức rằng thế giới này đầy những điều tốt đẹp. Trẻ được sống trong những câu chuyện cổ tích, thần thoại của giáo viên. Trẻ tự do đắm chìm trong môn nghệ thuật như vẽ, với những bài hát, trò chơi, lễ hội vui nhộn hay những hoạt động thực tiễn như nấu ăn, dọn dẹp, làm vườn.
Lớp học được thiết kế giống như một ngôi nhà; với các công cụ và đồ chơi thường có nguồn gốc từ các vật liệu tự nhiên với thiết kế đơn giản để kích thích trí tưởng tượng.
Trường Steiner không khuyến khích trẻ mẫu giáo tiếp xúc với phương tiện như truyền hình, máy tính; máy nghe nhạc vì cho rằng nó có hại cho sự phát triển của trẻ trong những năm đầu. Steiner tin rằng, những câu chuyện cổ tích, bài hát từ cô giáo sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho trẻ.
Đầu tuổi tiểu học chưa phải là giai đoạn của tư duy trừu tượng. Steiner tin rằng việc bắt trẻ nhỏ tham gia vào hoạt động trí tuệ trừu tượng quá sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng. Bởi vậy, trẻ ở giai đoạn tiểu học được tiếp thu kiến thức và tư duy bằng hình ảnh. Steiner cũng nhấn mạnh vào việc nuôi dưỡng cảm xúc với từng môn học và trí tưởng tượng của trẻ. Để làm được điều này, trẻ học qua trải nghiệm, học bằng toàn bộ cơ thể mình chứ không chỉ bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng.
Giai đoạn này, trẻ không phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa. Học sinh không có vở tập viết và giáo viên không có sách giáo khoa. Mỗi học sinh là một cuốn sách giáo khoa buộc cô giáo phải tìm tòi.
Trẻ không có vở tập chép nhưng sẽ có những tờ giấy để viết hay vẽ lại điều mình biết và được đóng lại thành tập khi kết thúc năm học. Ở lớp Steiner, hợp tác được ưu tiên. Ngay cả các môn học thể chất cũng ưu tiên các môn thể thao đồng đội. Một lớp học sẽ học cùng nhau suốt các năm, gầy dựng sự gắn bó, chia sẻ, hợp tác và yêu thương như trong một gia đình.
Học theo phương pháp giáo dục Steiner tại Việt Nam
Trong hầu hết các trường Steiner, khoảng 14 tuổi, học sinh bước vào giáo dục trung học. Lúc này, các giáo viên chuyên môn sẽ đảm nhận vai trò cho từng môn học. Giáo dục tập trung mạnh mẽ hơn nhiều vào các môn học; nhưng học trò vẫn tiếp tục tham gia các khóa học về nghệ thuật, âm nhạc và thủ công. Chương trình giảng dạy được cấu trúc để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ, tư duy độc lập, tư duy trừu tượng, trở thành con người tự do có lý tưởng đạo đức, có trách nhiệm xã hội.
Tại Việt Nam, trường Tre Xanh Steiner, Q. 2, TP. HCM và trường Bông Gạo Steiner, Hà Nội đã có áp dụng phương pháp này. Bên cạnh đó cũng có nhiều khóa đào tạo giáo viên Steiner. Bạn có thể tham khảo các khóa đào tạo của Steiner Việt Nam nhằm hiểu hơn về Steiner và áp dụng phương pháp này khi làm cô giáo tại gia cho con yêu của mình.