Cần làm gì để đảm bảo bữa ăn ngày tết của trẻ đủ dinh dưỡng?
- Các bậc cha mẹ nên cố gắng giữ cho giờ giấc sinh hoạt của trẻ đều đặn, đừng quá chênh lệch so với bình thường, không để trẻ mất bữa. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Nếu đến bữa ăn của trẻ mà không chuẩn bị kịp đồ ăn thì cho trẻ ăn các món ăn nhẹ thay bữa như bánh flan, uống sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây, các loại hạt, trái cây sấy, ngũ cốc…
- Cho trẻ ăn những thực phẩm phù hợp với độ tuổi, dễ hấp thu và đảm bảo cân đối 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn, đó là: nhóm bột đường (cơm, cháo, phở, bún, miến, bánh mỳ….), nhóm chất đạm (thịt, cá trứng, sữa và các chế phẩm sữa…), nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và nhóm vitamin và khoáng chất (rau củ, trái cây…). Đặc biệt nên chú ý bổ sung đủ rau xanh trong các bữa ăn ngày Tết cho cả gia đình hoặc có thể thay thế bằng quả chín trong trường hợp không tiện chế biến.
- Đảm bảo các món ăn của trẻ phải được nấu mới, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng.
- Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ.
- Tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt… . Việc sử dụng các thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, nước ngọt... hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, có nguy cơ tăng cân ở trẻ thừa cân béo phì, với một số trẻ khác lại làm trẻ mất cảm giác ngon miệng nếu ăn gần bữa chính, có thể là nguyên nhân gây nên trẻ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng sau Tết.
- Chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có ga.
Cần chuẩn bị thực phẩm gì cho trẻ ngày Tết?
Ngày Tết, hầu như các gia đình đều chuẩn bị rất nhiều đồ ăn chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả, nem rán, đồ chế biến sẵn…. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì những thức ăn đó lại không phù hợp lắm, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Vậy khi nhà có trẻ nhỏ các mẹ cần chuẩn bị gì để dễ dàng chế biến thức ăn cho con khi ngày Tết bận rộn?
- Cháo là món ăn dễ thực hiện và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Để dễ dàng chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, cha mẹ có thể nấu sẵn cháo trắng rồi cho thêm thức ăn khi đến bữa ăn. Cháo trắng sẽ bảo quản được lâu hơn và dễ biến đổi đa dạng hơn so với cháo được nấu sẵn với thức ăn. Với trẻ ở lứa tuổi ăn dặm dưới 1 tuổi, ba mẹ chỉ cần 1 bình cháo trắng nấu đặc, một máy xay cầm tay, thêm thịt, cá, trứng, rau củ tươi, dầu mỡ sẵn có là mẹ có thể chế biến cho con được bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và không tốn quá nhiều thời gian.
- Bún, phở, súp cũng là món ăn dễ làm và giàu dinh dưỡng cho trẻ mà không tốn quá nhiều thời gian nấu nướng. Có thể mua sẵn xương để làm nước dùng, dự trữ 1 chút bún phở khô, khi chế biến thêm một ít chả bò hoặc chả heo là trẻ đã có món phở để đổi món trong ngày Tết.
- Các loại rau củ quả tươi. Rau củ tươi rất cần cho bữa ăn của trẻ, giúp trẻ tránh táo bón và bổ sung thêm các vitamin. Các loại quả chín có thể ăn hoặc ép lấy nước, dễ dàng mang đi nếu phải di chuyển nhiều. Một số loại quả có thể dùng cùng với chế phẩm sữa như một bữa ăn thay thế rất tiện dụng như táo, chuối, xoài… hoặc có thể dùng cùng chế phẩm sữa cho bữa phụ như dâu tây, cherry…
- Các loại hạt như hạnh nhân, óc có, hạt điều, macca,... các loại hoa quả sấy khô như nho khô, xoài sấy, chuối, mít sấy… rất giàu năng lượng. Khi cần, có thể dùng cùng với sữa hoặc chế phẩm sữa là trẻ đã có một bữa ăn thay thế tương đối cân bằng dinh dưỡng.
- Dự phòng một ít bánh flan trong ngày Tết là lựa chọn đáng quan tâm của các bố mẹ có con nhỏ. Bánh flan là loại bánh dễ ăn, giàu năng lượng có thể phù hợp với trẻ nhiều lứa tuổi và cũng rất đa dạng chủng loại cho các bé lựa chọn, dễ mang theo và có thể sử dụng cùng với sữa thay thế cho bữa ăn chính cho trẻ.
Sự chuẩn bị chu đáo của người nội trợ trong việc đảm bảo dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh, phát triển trong những ngày Tết là cách tốt nhất để mọi người cùng đón những ngày xuân trọn vẹn nhất. Gia đình sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc khi thấy con trẻ khỏe mạnh, hồn nhiên vui tươi bên cạnh những người thân để cùng nhau bước vào những ngày Tết cổ truyền thật an toàn và ý nghĩa.