Bất kể đường hay muối, khi bạn nạp quá nhiều 2 thứ này vào cơ thể, tim của bạn sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Trong vài thập kỷ qua, nghiên cứu ngày càng chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều muối và đường có thể gây rắc rối cho tim và khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh.
Tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm
Tiến sĩ Mohit Tandon, chuyên gia tư vấn tim mạch không xâm lấn, đang làm việc tại bệnh viện Fortis Escorts (Okhla, New Delhi) cho biết: “Đường tự nhiên có thể không gây hại cho bạn như đường chế biến hoặc thậm chí là chất làm ngọt nhân tạo thì hoàn toàn ngược lại. Đồ ăn vặt như nước ngọt, nước ép trái cây chế biến, bánh quy, kẹo, bánh ngọt hầu như đều chứa thêm đường có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe”.
Trích dẫn một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Y học Quốc tế JAMA, Tiến sĩ Tandon khẳng định những người tiêu thụ 17-21% lượng calo từ đường bổ sung có nhiều khả năng chết vì bệnh tim hơn những người khác. “Bạn càng tiêu thụ nhiều đường bổ sung, nguy cơ mắc bệnh tim càng cao”, Tiến sĩ Tandon nói.
Ông cho biết thêm, đường có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến tim của bạn, nhưng nó sẽ tác động gián tiếp bằng cách làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh sau này. Lượng đường dư trong chế độ ăn uống của bạn sẽ được gan chuyển hóa thành chất béo, qua một thời gian có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ và béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Lượng đường dư trong chế độ ăn uống của bạn là một cách dễ dàng để tăng cân. Đồ uống có đường như soda và nước ngọt không gây no như đồ uống đặc và do đó không làm thỏa mãn hoặc làm mất đi cảm giác thèm ăn của bạn như một chế độ ăn giàu protein, giàu chất béo hoặc giàu chất xơ.
Lượng đường bổ sung dư thừa cũng có thể thúc đẩy tình trạng viêm mãn tính và tăng huyết áp, về lâu dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Tác hại của dư muối
Muối (natri) là một khoáng chất thiết yếu cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể, nhưng quá nhiều natri gây ra vấn đề không chỉ cho tim mà còn cho toàn bộ cơ thể.
Tiến sĩ Tandon cho biết, 1.500mg natri mỗi ngày là quá đủ để một người trưởng thành đáp ứng nhu cầu natri hàng ngày của họ.
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm của Ấn Độ, lượng natri của bạn nên dưới 5g mỗi ngày.
Muối không phải là nguồn natri duy nhất. Bánh mì, bánh pizza, bánh mì sandwich, thịt nguội, súp, đồ ăn nhẹ mặn, thịt gia cầm, phô mai, trứng tráng và nhiều thực phẩm hàng ngày khác cũng chứa rất nhiều natri.
Natri được điều hòa bởi thận của chúng ta. Tiêu thụ quá nhiều natri khiến cơ thể bạn giữ nhiều nước hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng tổng thể lượng máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn, do đó làm tăng mức huyết áp và gây căng thẳng cho các động mạch.
“Về lâu dài, nó dẫn đến tăng huyết áp, làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tim. Vì vậy, bạn có thể cảm thấy đầy hơi và bị sưng bàn chân hoặc mắt cá chân”, Tiến sĩ Tandon giải thích.
Mặc dù hấp thụ nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhưng lượng natri thấp cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị huyết áp thấp.
Nên nhớ rằng lượng natri tăng lên có thể có tác động khác nhau đối với các cá nhân khác nhau. Một số người nhạy cảm với muối cho thấy huyết áp tăng cao hơn so với những người không nhạy cảm.
Ăn nhiều đường và ăn nhiều muối: Cái nào tệ hơn cho sức khỏe?
Quá nhiều đường trong cơ thể sẽ dẫn đến béo phì, đẩy bạn đến bệnh tiểu đường đồng thời làm tăng nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch, tất cả những điều này đều làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tim.
Mặt khác, lượng natri dư có thể làm tăng huyết áp, khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim.
Nhìn chung, cho dù bạn ăn quá nhiều đường hay quá nhiều muối, cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chìa khóa để có một trái tim khỏe mạnh là ăn một chế độ giàu kali và ít natri, bao gồm các loại thực phẩm như ngũ cốc, rau và trái cây.
Một cách khác giúp bạn hạn chế nạp đường và muối vào cơ thể là đọc kĩ nhãn trên các mặt hàng thực phẩm.