Hơ Nin năm nay lên chín rồi. Ngày em mới lên ba, mắt em đau nặng. Mẹ em đi hái lá thuốc trong rừng sâu, lấy nước suối trên khe xa, đào rễ cây trong hang núi đất hết lòng chạy chữa. Nhưng mắt em vẫn không khỏi. Em thành người khuyết tật.
Cha Hơ Nin là du kích bị Pháp bắt giết trong một trận chống càn, nhà chỉ còn mẹ và Hơ Nin, nên em phải vất vả. Em làm suốt ngày, ít nói, ít cười. Trong buôn ai cũng khen em:
- Con bé Hơ Nin chăm làm, hát hay mà mù lòa, tội nghiệp!
Một tối, thiếu nhi trong buôn họp, đang bàn bạc sôi nổi thì em đến. Các bạn đã giao hẹn với nhau ngày 19-5 vừa qua chưa làm lễ kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ được. Ngày lễ mừng Bác sẽ làm chung với ngày Thiếu nhi Quốc tế sắp tới. Đến ngày đó, mỗi đội viên phải có 50 cây chông. Hơ Nin chưa vào Đội. Em ngồi một góc không ai để ý đến nên phải lên tiếng :
- Tôi có phải vót không các bạn?
- Vót cũng được, không cũng được.
Một bạn khác bảo:
- Thôi mày là con gái, con mắt mày không sáng, tìm cái cây trong rừng không ra, cầm cán dao không chắc, đừng vậy!
Tan họp về nhà, Hơ Nin nhớ lại: Hôm qua anh bộ đội Ma Trang Lơng đến, nói chuyện về Bác Hồ. Anh nói nhiều chuyện lắm: Bác Hồ suốt đời chịu khổ để lấy lại nước cho đồng bào Kinh, đồng bào Thượng, Bác Hồ yêu nhân dân lắm. Bác Hồ chỉ bảo mọi người cách đánh giặc ngoại xâm. Nhất là chuyện Bác Hồ yêu thương chăm sóc trẻ em... Anh nói tiếp: "Các em cứ ngoan ngoãn, cố gắng giúp đỡ người lớn. Bao giờ cả nước độc lập, thống nhất, thế nào Bác Hồ cũng vào chơi... chưa biết chừng có em còn được Bác bế vào lòng, có em được vuốt râu, được nhìn thấy mắt Bác sáng như sao trên trời". Các bạn vui quá, bàn tán sôi nổi. Hơ Nin hỏi mẹ:
- Bao giờ làm cái lễ mừng tuổi Bác Hồ và cái lễ của thiếu nhi nhiều nước hở mẹ?
- Du kích bảo còn năm đêm nữa- Mẹ tiếp.
- À Hơ Nin, đêm ấy con có đi...
Mẹ định bảo Hơ Nin đi "xem" cho vui, nhưng như một chiếc gai mắt mèo đâm vào tim bà, bà đau đớn nhìn con. Rồi bà nói lại:
- Con đi cho vui chứ?
- Thôi con ở nhà nằm nghe hát cũng được mẹ ạ!
Thế là suốt cả năm ngày, ngày nào em cũng dậy sớm hơn mọi bận, lấy nước, lấy củi, cho con gà, con chó ăn no. Chờ mẹ đi rẫy, Hơ Nin lại trốn mọi người men ra bìa rừng sờ soạng chặt từng cây mò o nhỏ. Chiều đến, mẹ về hỏi:
- Hơ Nin có lấy nhiều nước không?
- Có chớ? Lấy ba bầu lớn bên suối nước trong mẹ ạ.
- Con gái mẹ có cho con heo nái mới đẻ ăn no không?
- No, no lắm!
- Tre nứa đâu nhiều vậy?
- Con xin đấy.
Hơ Nin vẫn giấu mẹ. Mấy hôm liền em ngồi một chỗ kín để vót chông, ba cây, rồi năm cây, rồi bảy cây, rồi mười một cây Rồi nhiều, nhiều lắm...
Chiều hôm sau, sau nữa. Đồng bào trong buôn đi rẫy về. Mẹ em cũng về. Bộ đội du kích kéo đến rất đông. Trong buôn ồn ào xôn xao. Tiếng hát vang lên, dội vào vách núi đá, trào lên lớp cây rừng, vượt ra ngoài con suối, chảy theo dòng sông Ba rồi lan đi xa, xa mãi... Lửa trong đêm hội bùng sáng to. Già làng khai mạc ngày mừng Lễ sinh nhật Hồ Chủ tịch và ngày Thiếu nhi Quốc tế. Người ta thấy có mặt Hơ Nin đêm nay. Em ì ạch mang theo bó chông to. Em đang loay hoay nhẩm đi tính lại, không biết có đủ năm mươi cây chông không? Em tìm một anh du kích nộp chông. Em vui mừng nói:
- Phần em mừng Bác Hồ mạnh khỏe sống lâu!
Mẹ thương Hơ Nin quá. Bà ôm chặt con vào trong lòng. Nhiều người chăm chú nhìn em cảm phục, nhất là các đội viên thiếu niên.
Tin Hơ Nin vót chông đánh giặc không mấy chốc lan đi khắp làng, khắp huyện và biến thành một cuộc vận động lớn. Từ đó các anh bộ đội kể cho nhau nghe chuyện em. Nhiều người không nhớ rõ tên. Họ chỉ gọi em là "Em đội viên mắt sáng - Cháu ngoan Bác Hồ"...