Lê Trương Thảo Tiên (còn gọi là Ngọc) ở thành phố Thủ Đức, TP HCM có cơ hội vào bếp từ lúc hai tuổi. Giữa năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực phẩm khó mua nên chị Ngọc Dung (33 tuổi) trồng thêm rau tại vườn nhà, vừa hướng dẫn con chăm sóc cây cối vừa cùng vào bếp nấu đồ ăn từ rau củ quả trồng được.
Bé Thảo Tiên (thường tự gọi là Ngọc) làm món đậu phụ từ đậu lăng đỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần đầu vào bếp, bé Tiên hào hứng nhưng chỉ được vài bữa. Để tăng hứng thú cho con gái hai tuổi, người mẹ bày trò chơi, lúc thi ai nhặt rau nhanh hơn, lúc lại đếm ai thu hoạch được nhiều cà tím, dưa leo, đậu bắp hơn hoặc nhắm mắt sờ đoán trong rổ có quả gì?
Người mẹ cũng giải thích cho con tình hình dịch bệnh để trân trọng thức ăn, hay hành trình từ hạt giống đến mâm cơm gồm công sức lao động của những ai.
Sau ba tuần, Tiên tự giác hỗ trợ việc làm bếp, nấu nướng. Cô bé được mẹ dạy tên gọi của các loại thực phẩm, công dụng, mùi vị, đặc điểm cũng như cách sử dụng. Cô bé còn biết phân biệt thực phẩm nào nên ăn nhiều và loại nào hạn chế, củ quả nào ăn được và ngược lại. Tiếp đến cô bé được mẹ dạy cách sử dụng dụng cụ sắc nhọn như dao kéo.
Theo chị Dung, trẻ nhỏ vốn có tính tò mò, nếu chỉ cấm đoán trẻ sẽ chỉ nghe ở thời điểm đó, nhưng cố tình làm ngược lại khi bố mẹ không có mặt. Còn nếu tạo quy tắc về sự nguy hiểm vô tình kìm hãm tính sáng tạo, tư duy độc lập và cách thức giải quyết khó khăn. Bởi vậy, chị dạy con cách sử dụng điện, nước, dao từ khi biết nhận thức cũng là cách giúp trẻ bảo vệ bản thân.
Để con nhỏ dễ hình dung, Dung áp dụng phương pháp diễn kịch. Theo đó người chồng là diễn viên, còn chị là người thuyết minh.
"Ví dụ để hướng dẫn con cách cắm điện, khi nắm tay vào phần kim loại của phích cắm, bố sẽ diễn cảnh điện giật và giả chết", chị Dung nói. Những trường hợp khác như cách sử dụng dao, dùng nước cũng xây dựng tình huống tương tự.
Nhờ thế bé Tiên sử dụng khá thành thạo các công cụ nhà bếp cũng như cách cắm điện, dùng dao, tắt bật bếp. Dù vậy, khi muốn thao tác, cô bé sẽ chủ động đề nghị và nhờ mẹ giám sát, không tự ý sử dụng.
Bé Thảo Tiên thích ăn rau và nấm nên bé thường nấu món chay. Trong hình là gỏi bắp cải chay do Tiên tự chế biến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cùng làm bếp với mẹ từ những công việc nhỏ nhất nên đến năm 4 tuổi Tiên tự mình hoàn thành món ăn đầu tiên là cà tím nướng mỡ hành.
Lần đó chị Dung liệt kê nguyên liệu và hướng dẫn Tiên cách chế biến, yêu cầu làm từng bước. Sau khi nghe mẹ phổ biến, cô bé bắt tay thực hiện. Đầu tiên là ra vườn hái đủ nguyên liệu sau đó dùng kéo cắt hành lá, cắt ớt. Tiên tự tay bóc lạc, rang chín rồi giã vụn. Bé nêm nếm gia vị từ hướng dẫn, định lượng của mẹ rồi nướng bằng nồi chiên không dầu. Sau khi món ăn hoàn thành, người mẹ hỗ trợ dọn ra đĩa.
Trong suốt quá trình thực hiện, người mẹ đứng ngoài quan sát và hỗ trợ khi con gặp rắc rối. Vì tay yếu, cô bé giã lạc đôi lúc bị vương vãi nhưng chỉnh sửa một hồi tự khắc phục được. Cắt hành lá chưa quen tay, lúc to lúc nhỏ, người mẹ lại dạy con cách cầm kéo sao cho đúng để lực cắt được đều, cọng hành đẹp mắt hơn.
"Thành phẩm ra lò khá thành công. Tiên rất vui và tự tin mình có thể làm thêm được nhiều món ăn hơn nữa để mời bố mẹ", chị Dung nói.
Từ thành công với món ăn đầu, Tiên tự tin hơn khi tự mình làm những món tiếp theo. Hàng ngày, cô bé đều quan sát mẹ nấu, ghi nhớ và thực hành. Hơn một năm qua, Tiên đã biết chế biến 50 món cả chay và mặn. Vì thích nấm và rau thơm nên cô bé thường nấu các món liên quan như nấm cuộn rau, rau xào tỏi, gỏi chay, khô bò chay, nấm lăn bột chiên giòn, chả giò chay hay salad.
Người mẹ đánh giá, những món con gái nấu chưa hoàn hảo nhưng cơ bản đúng hình, đúng vị và đúng phương thức chế biến. Hiện mỗi lần vào bếp Tiên vẫn cần sự trợ giúp của mẹ trong các thao tác cắt gọt cầu kỳ, bê vác đồ vật nặng. Việc định lượng gia vị cho món ăn cô bé đã tự làm được theo trí nhớ hoặc gia giảm sau mỗi lần nêm nếm.
Vì chị Dung làm tự do nên một tuần bé Tiên chỉ đến lớp mầm non từ thứ 2 đến thứ 5, những ngày còn lại được nghỉ ngơi để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất, bao gồm cả nấu ăn.
Thời điểm này, hai mẹ còn thường dành một, hai tiếng để cùng nghiên cứu thực đơn và nấu nướng.
Thảo Tiên thường xuyên cùng mẹ nhặt rau, nấu nướng mỗi khi được nghỉ học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Từ khi học nấu ăn, tính nết của cô bé 5 tuổi cũng thay đổi rõ rệt. Trước đây, Tiên nhanh chán nhưng giờ học được tính kiên nhẫn và hoàn thành món ăn đến cùng. Nấu ăn cũng rèn luyện cho cô bé sự khéo léo và tỉ mỉ, như học cách sắp xếp thứ tự nấu nướng sao cho hợp lý, chuẩn bị bước nào trước, bước nào sau.
Học nấu ăn cũng giúp Tiên hiểu hơn về tiết kiệm, không lãng phí, không bỏ thừa đồ ăn. "Tôi dạy con một câu thần chú mỗi khi vào bếp: 'Hạt gạo là hạt ngọc trời' để biết quý trọng từng hạt gạo", chị Dung chia sẻ. Đến giờ Tiên cũng tự gọi mình là Ngọc, vì muốn bản thân sẽ "trở thành một viên ngọc sáng".
Việc sáng tạo món ăn cũng giúp cô bé năng động và tự tin vào bản thân. Tiên thích chia sẻ những clip nấu ăn tới mọi người trên trang cá nhân hiện có hơn 200.000 lượt thích, tự dẫn dắt câu chuyện cũng như cách nấu nướng. Hoạt động này khiến cô bé 5 tuổi tự chủ trong cuộc sống, không ỷ lại hay phải chờ đợi ai hỗ trợ giúp đỡ trong mọi việc.
Không chỉ con gái thay đổi, việc đồng hành cùng con cũng khiến người mẹ trở nên kiên nhẫn và biết lắng nghe hơn.
"Với tôi, đồng hành cùng con không chỉ là bữa cơm ngồi bên nhau. Việc cùng vào bếp, cùng làm việc nhà chính là một cách vun đắp tình cảm tự nhiên nhất giữa cha mẹ và con cái", chị Dung nói.
“Với tôi, đồng hành cùng con không chỉ là bữa cơm ngồi bên nhau. Việc cùng vào bếp, cùng làm việc nhà chính là một cách vun đắp tình cảm tự nhiên nhất giữa cha mẹ và con cái", chị Dung nói.