Thực tế, những đứa trẻ có thể học được vô số điều thú vị từ ông bà của chúng, đôi khi là cố ý và đôi khi là vô tình.
Giá trị đạo đức
Trong một thế giới mà xu hướng cả cha lẫn mẹ đều đi làm đang gia tăng, ông bà thường là người để mắt đến các cháu. Họ quan sát hành vi của trẻ và chỉnh sửa, góp ý khi chúng làm sai, đồng thời khen ngợi hành vi tốt, từ đó giúp củng cố nền tảng của một hệ thống giá trị vững chắc và ý thức đúng sai trong tâm trí trẻ.
Trí tưởng tượng mạnh mẽ
Trẻ em thích nghe kể chuyện, và những câu chuyện của ông bà luôn có sức hút đặc biệt đối với chúng. Khi đi ngủ, khi ăn cơm hay khi buồn chán vào một buổi chiều mưa, những câu chuyện đầy màu sắc qua lời kể của ông bà có thể khiến trẻ cảm thấy hào hứng trở lại.
Cho dù đó là những câu chuyện liên quan đến các vị vua và hoàng hậu, các nàng tiên và thần lùn, hay những con vật tưởng tượng, khi trẻ lắng nghe, trí tưởng tượng của chúng sẽ phát triển. Thông qua những hình ảnh trong câu chuyện, trẻ học được cách điều hướng thế giới xung quanh.
Sự đồng cảm
Khi có ông bà ở gần, trẻ sẽ nhìn vào những khó khăn mà người già gặp phải và học cách đồng cảm với họ. Trong quá trình này, những đứa trẻ sẽ dần trở thành những con người khiêm tốn hơn, tử tế hơn.
Kiến thức thực tiễn
Hầu hết giáo dục chính thống nghiêng về lý thuyết, và đôi khi những gì kinh nghiệm thực tế có thể làm được thì lý thuyết lại không thể. Dù là trẻ thích chơi cùng ông trong vườn, hay thích xem bà đan lát, nấu nướng trong bếp, với kho tàng kinh nghiệm mà mình sở hữu, ông bà đều có thể mang đến những bài học thực tế sống động cho trẻ.
Kỷ luật
Kỷ luật thường là điều khiến con cái chống lại cha mẹ, nhưng ông bà lại đạt được thành công vang dội. Ông bà có kinh nghiệm dỗ dành để cháu nghe lời mà không cần mắng mỏ.
Không giống như những hành vi học được từ sự sợ hãi, những thói quen kỷ luật như vậy sẽ đọng lại trong trí nhớ của trẻ và giúp chúng trở thành những người tốt hơn.
Không thể phủ nhận, em học được rất nhiều điều từ ông bà của chúng. Ông bà có thể mang đến sự nhiệt tình và chu đáo đặc biệt khi dành thời gian cho những đứa cháu nhỏ, điều đó giúp đứa trẻ học hỏi và trưởng thành.
Tình yêu thương
Ông bà thường thích dạy trẻ bằng cách kể những câu chuyện và chia sẻ về truyền thống văn hóa gia đình. Và, điều quan trọng nhất mà ông bà mang lại cho những đứa cháu bé bỏng của họ là tình yêu thương.
Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo học hỏi và phát triển thông qua các mối quan hệ gần gũi, quan tâm với người lớn trong cuộc sống của chúng. Sự quan tâm, tương tác và tình yêu thương vô điều kiện từ ông bà (cùng với cha mẹ) giúp trẻ nhỏ cảm thấy an toàn và yên tâm. Và đó là những gì chúng cần để phát triển trí não khỏe mạnh.
Tình yêu thương của ông bà chắc chắn có tác động thực sự và lâu dài đến tương lai của trẻ nhỏ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mối quan hệ gần gũi, gắn bó cũng tốt cho ông bà, góp phần giúp ông bà sống khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và thậm chí có thể sống lâu hơn.