Khi còn là trợ giảng tiếng Anh, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Các em đều rất thông minh, ngoan ngoãn và được cha mẹ chăm chút cẩn thận. Tôi rất bất ngờ khi biết hầu như đều biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, như các cô bé thường được cho đi học piano từ năm 5 tuổi. Với góc nhìn của người lớn, đó là một điều thật lý tưởng, trẻ em sẽ lớn lên vừa giỏi văn hóa mà lại có tài lẻ. Nhưng cho tới một ngày, vào giờ ra chơi, các em nói với tôi bằng một giọng buồn rầu và chán nản: "Cô ơi con chán học nhạc lắm rồi, con không thích học nhưng mẹ con muốn con phải học, còn muốn con lên biểu diễn trước toàn trường". Điều đáng nói ở chỗ, đây không phải là suy nghĩ riêng của một, hai em, mà của rất nhiều học sinh trong lớp.
Một chị phụ huynh từng tâm sự với tôi: "Chị biết con không thích học nhạc, nhưng trẻ con thì biết gì đâu, người lớn mới biết cái gì tốt cái gì không. Bây giờ cứ bắt học đi, sau này tính sau". Trẻ con không biết gì - có lẽ đây là suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Nhưng thực sự, trẻ nhỏ biết rất nhiều, có thể không theo cách nhìn của người lớn, nhưng theo suy nghĩ và thế giới quan của riêng chúng. Trẻ em cũng có sở thích, thói quen và quan điểm đa dạng không khác gì của người lớn. Tôi biết có những gia đình có hai chị em sinh đôi, cô chị rất thích âm nhạc và đọc sách, dù không ai bắt buộc, cô bé luôn luôn vớ bất kỳ cuốn sách nào tìm được và đọc chăm chú. Cô em hoàn toàn ngược lại, không thích ngồi yên đọc sách, mà thích chạy ra ngoài, tìm hiểu động vật cây cối. Nghe thì tưởng chừng vô nghĩa, nhưng trong một bài học môn khoa học ở trường, cô em đã trả lời được gần như tất cả các câu hỏi thầy đặt ra bằng chính sự tìm tòi của bản thân. Vậy mới thấy, trẻ nhỏ cũng có thế giới quan rất đặc biệt của riêng mình, và nhu cầu tìm hiểu cuộc sống của mỗi em cũng rất khác nhau. Chỉ khi chúng được tự do làm điều mình muốn, chúng mới có thể làm tốt bằng cả tất cả khả năng của mình.
Người lớn luôn nói họ khao khát có được sự tự do mà không bị bó buộc bởi công việc, gia đình hay định kiến xã hội. Nhưng vô hình trung, họ lại tước đi sự tự do của chính trẻ em, bằng cách áp đặt mong muốn của mình. Có rất nhiều trẻ em muốn được đọc truyện, được vẽ tranh nhưng lại bị bắt phải ngồi yên học đàn, hay đọc những cuốn sách dày cộp. Theo các nhà tâm lý học, chính điều đó khiến các em luôn sống trong sự thiếu tự do, và khi lớn lên lại trở thành những người lớn kiểu mẫu, bối rối không tìm được đam mê, ước mơ của mình.
Không có một quy chuẩn nào cho cuộc sống của mỗi người, ngay cả là với trẻ em. Nhu cầu tìm hiểu của các em khác nhau, tài năng bẩm sinh khác nhau, sở thích khác nhau - có lẽ điều tốt nhất các bậc phụ huynh nên làm là kiên nhẫn tôn trọng thế giới riêng của các em và giúp định hướng đúng đắn nhất.
Một trong những show truyền hình thực tế nổi tiếng nhất trên thế giới là Ellen Show, ở đó không chỉ có sự góp mặt của những người nổi tiếng, mà còn có những câu chuyện về những cô bé, cậu bé đặc biệt trên thế giới. Các em tới từ những nơi rất khác nhau, với những hoàn cảnh khác nhau, và không ai trong số các em giống người kia, nhưng luôn gây cho khán giả những điều bất ngờ. Cô bé Macey đặc biệt quan tâm tới lịch sử Mỹ và thuộc làu tiểu sử của các vị tổng thống Mỹ - thậm chí còn ngồi trao đổi với tổng thống Obama như hai vị chính khách. Cậu bé Kicha mới chỉ 6 tuổi nhưng có đam mê nấu ăn bếp núc. Cô bé Emma mới 3 tuổi nhưng luôn mơ được trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ. Yung Hunnid 6 tuổi luôn luyện tập với mong mỏi trở thành một rapper chuyên nghiệp. Thế giới của các em đa dạng và không hề buồn tẻ, điều quan trọng nhất là các em nhận được sự ủng hộ của gia đình để dám theo đuổi những gì mình mong muốn.
Tâm lý lo lắng và đầu tư cho con là một tâm lý hoàn toàn dễ hiểu ở các bậc cha mẹ hiện nay. Song điều đó chưa chắc đã mang lại hạnh phúc thực sự cho trẻ nếu thiếu đi sự thấu hiểu và trao cho các em sự tự do để được phát triển theo khả năng và mong muốn của mình. Đây mới chính là điều quan trọng để các em nuôi dưỡng hạnh phúc trong cuộc sống.