Tập thìa được coi là kỹ năng khó nhất trong số các kĩ năng bé học khi ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (BLW). Hãy cùng tìm hiểu cách hướng dẫn bé tập thìa sao cho hiệu quả nhất nhé!
Tập dùng thìa có khó không?
Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (ăn dặm BLW) hay cách gọi nôm na là phương pháp ăn “bốc” nhằm chỉ quãng thời gian ban đầu lúc bé tập ăn dặm bé chỉ huy. Ban đầu bé sẽ tập ăn bốc lâu dần chuyển qua tập nhón, tập dùng ống hút và kĩ năng dùng thìa là mục tiêu lớn nhất về vận động mà bé đạt được trong phương pháp ăn dặm bé chỉ huy này.
Bản chất của kĩ năng dùng thìa
Động tác xúc thìa, cầm thìa là một kĩ năng vận động thực sự khó. Bởi vì nó đòi hỏi một chuỗi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa não, mắt, tay và miệng. Một thìa thức ăn đi từ bát qua thìa vào tới miệng sẽ phải trải qua một chuỗi các phối hợp phức tạp của các bộ phận trên cơ thể
Không chỉ là sự phối hợp của các bộ phận trên cơ thể, kĩ năng dùng thìa còn đòi hỏi sự dẻo dai và khéo léo của bàn tay,cổ tay và cánh tay của con:
-
Tay cần đủ vững để cầm chắc thìa
-
Cổ tay cần đủ linh hoạt và mềm dẻo để di chuyển chiếc sao cho múc được thức ăn vào thìa.
-
Cánh tay cần đủ chắc chắn,dẻo dai và linh hoạt để nhấc thìa lên,đưa thìa đến gần miệng, gấp cổ tay để đưa thức ăn vào miệng chính xác và chờ miệng há ra để đưa thức ăn vào miệng
Với một em bé, tập kĩ năng cầm thìa là một hành trình dài và khó khăn. Do đó, trước khi sốt ruột vì tại sao mãi con không biết xúc bằng thìa, cha mẹ hãy thử tưởng tượng xem khi mình tập một kĩ năng mới thì mất bao lâu và nhắc nhở mình cần phải kiên nhẫn với con hơn nữa.
Thời điểm thích hợp để bé làm quen với chiếc thìa ?
Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng cho con làm quen với bát thìa từ khi bé mới tập ăn sẽ rút ngắn thời gian luyện tập và con sẽ biết xúc nhanh hơn. Tuy nhiên kết quả lại ngược lại, dù đã được làm quen với thìa mấy tháng, bé vẫn thờ ơ hoặc chỉ chơi bát đĩa thôi. Thực tế, bé sẽ không có cảm xúc với thìa trước khi hoàn thiện kĩ năng bốc nhón. Do đó,cha mẹ cần đợi đến khi bé bốc nhón thật tốt mới bắt đầu giới thiệu bát, đĩa, thìa và nĩa cho bé.
3 lý do chứng minh phải chờ bé hoàn thiện kĩ năng bốc nhón :
-
Kĩ năng vận động tinh của bé thực sự khéo léo hơn 1 bậc, hơn nữa, bé đã qua thời gian coi thức ăn là đồ chơi nên sẽ nhanh khám phá đồ chơi mới (bát và thìa ) hơn. Kết quả là bé sẽ nhận ra công dụng của bát, thìa, dĩa nhanh hơn khi vừa phải tìm hiểu sử dụng thức ăn vừa phải tìm hiểu cách sử dụng bát, thìa.
-
Khi bốc nhón thành thạo thì bé cũng ăn uống có tự chủ hơn - độ cáu kỉnh của bé giảm nhiều so với khi chưa bốc nhón tốt để tiếp cận thức ăn- tính tập trung trong bữa ăn cũng tăng dần
-
Hoàn thành kĩ năng bốc nhón còn có nghĩa là bé sử dụng các ngón tay khéo léo hơn, cổ tay cũng đã được rèn luyện uyển chuyển hơn, lực tay mạnh hơn, do đó khi chuyển sang cầm thìa bé cũng sẽ thực hiện dễ dàng hơn. Thời điểm một bé 6,7 tháng và một bé 9,10 tháng từ lúc làm quen với bát, thìa đến lúc nhận ra thìa dùng để làm gì hầu như là giống nhau ( trung bình bé sẽ biết điều đó khi được 11 tháng trở lên). Vậy nên, nếu bạn vẫn nhất quyết muốn con chơi với thìa từ lúc 6,7 tháng thì bạn cần thật sự kiên trì và nên hiểu rõ về sự phát triển của con để tránh cảm thấy căng thẳng.
Cách chọn thìa, bát, dĩa phù hợp để bé tập dùng thìa
Chọn thìa :
Những loại thìa nên dùng :
-
Có lòng hình tròn hoặc oval hơi tròn, đường kính khoảng 2 -3 cm để bé thức ăn vào thìa được dễ dàng.
-
Cán thìa vừa phải ( ngắn hơn thìa người lớn hay ăn 1 chút ) cho bé cầm không bị vướng víu, chiều dài khoảng7-9cm
-
Có độ sâu, thức ăn trong thìa được lâu và không bị rơi vãi hết do thời gian đầu bé chưa điều khiển được thìa đúng cách, rất dễ di chuyển linh tinh khiến thức ăn rơi ra ngoài.
-
Làm bằng gỗ, inox hoặc nhựa an toàn cho bé, độ nặng vừa phải sao cho người lớn cầm lên thấy hơn nhẹ một chút là được
Những loại thìa không nên dùng :
-
Có to hoặc có cán cầm quá dài khiến bé cầm vướng víu.hoặc quá nhỏ
-
Quá nặng, do ban đầu lực tay bé còn yếu, xúc những loại thìa này khả năng thành công sẽ không cao, bé rất dễ cáu ( có thể ) nản chí nữa.
-
Quá nông, sẽ làm thức ăn bé xúc được thời gian đầu vương vãi hết ra ngoài do tay bé chưa khéo. Hệ quả là sẽ bực bội khi không có thức ăn trong thìa.
-
Làm bằng silicon hay nhựa mềm vì những loại này quá mềm, bé cầm không giỏi sẽ không có cảm giác chắc tay và cũng khó để xúc thức ăn vào thìa.
-
Thìa vẹo : bé dùng thìa vẹo tưởng chừng dễ hơn nhưng bé lại không học được cách bẻ cổ tay để đưa thức ăn vào miệng,hệ quả là khi chuyển sang thìa bình thường,bé có thể cảm thấy khá lúng túng và không biết cách sử dụng sao cho đúng.
Chọn dĩa/nĩa
Những loại nĩa nên dùng :
-
Bằng nhựa an toàn, bằng gỗ, hoặc bằng inox
-
Đầu hơi tù, không quá nhọn,được chứng nhận an toàn cho trẻ
-
Nhẹ,tay cầm nĩa to để giúp bé cầm chắc
-
Ngắn dưới 10cm
Các loại nĩa gợi ý :
-
Nĩa hoa quả, rẻ, tiện và dễ xiên thức ăn, chọn đầu nĩa tù.
-
Nĩa đầu tròn : an toàn khi bé còn chưa thực sự khéo léo, nhược điểm là đầu nĩa không nhọn, nên bé tự tập xiên hơi khó
Những loại nĩa không nên dùng :
-
Làm từ chất liệu không đảm bảo, như các loại nĩa dùng 1 lần
-
Đầu nữa nhọn,có thể gây nguy hiểm cho bé
-
Nặng, tay cầm nĩa qua bé và dài
Chọn bát/chén :
Bên cạnh thìa thì bát cũng là đồ dùng không thể thiếu cho bé trong giai đoạn luyện tập từ “người tiền sử” trở thành “người văn minh”. Dưới đây là một số kinh nghiệm chọn bát đĩa từ Ăn dặm 3in1
Những loại bát nên dùng:
-
Bằng nhựa an toàn, gỗ, inox, tre
-
Nhẹ
-
Nông, đáy phẳng
-
Nhỏ hơn bát ăn cơm bình thường của người lớn một chút,
Những loại bát không nên dùng:
-
Bằng thủy tinh, sứ , chất liệu dễ vỡ khác, nhựa không đảm bảo an toàn
-
Nặng, khó cầm
-
Sâu lòng, đáy gồ ghề không chắc chắn
-
To hoặc nhỏ quá ( to hơn bát ăn cơm bình thường, hoặc nhỏ như bát nước chấm đều không phải là lựa chọn lý tưởng cho bé tập thìa)
Quá trình bé tập sử dụng thìa
Giai đoạn 1: Làm quen
Ban đầu khi mẹ đưa cho bé thìa cùng với thức ăn đựng trong bát, bé sẽ nghĩ rằng mẹ đưa cho bé đồ chơi mới vì thế bé say mê khám phá bằng mọi cách. bé cho vào mồm gặm để xem có thể ăn được không, hoặc đơn giản là bé đang ngứa răng, gặm thìa cứng cứng lạnh lạnh thật thích. Bé cũng sẽ vứt thức ăn ở trong bát đi vì nghĩ rằng thức ăn đó làm vướng víu quá trình chơi với đồ chơi của bé và cũng do bé đã khám phá thức ăn rồi. Điều naỳ không có gì đáng ngạc nhiên hay phản nộ, đơn giản vì bé cảm thấy chưa sẵn sàng để dùng thìa mà thôi.
Bé cũng sẽ vứt thìa và bát nhằm phục vụ cho công cuộc thử nghiệm khoa học của mình. Rất nhiều cha mẹ hiểu nhầm những hành vi trên của con là chống đối nhưng thực tế thì đa số các bé tầm tuổi này làm thế để khám phá. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên tỏ thái độ ủng hộ, khuyến khích hành động đó của bé, cũng không nên la mắng bé quá nặng nề. Trước sau như một, hãy luôn luôn chỉ cho bé một cách rõ ràng và nghiêm túc rằng thìa, bát, thức ăn dùng để làm gì, nên để ở đâu và hành động vứt đồ là không nên. Nếu thực hiện rõ ràng ngay từ đầu thì khi đến độ tuổi bé hiểu về nguyên nhân – hệ quả, bạn sẽ không phải mất thời gian sửa thói quen xấu cho bé nữa.
Cha mẹ hãy cứ để bé thử nghiệm và rút kinh nghiệm, sẽ đến lúc bé nhận ra cần phải cầm thìa thế nào cho đúng – quá trình làm quen với thìa, bát thông thường mất từ 1 – 3 tháng, hoặc lâu hơn và nó được tính từ mốc bé bốc nhón thành thạo
Giai đoạn 2: Nhận thức
Sau khi khám phá đủ và quan sát cách người lớn sử dụng thìa thì bé sẽ dần dần nhận ra vai trò của thìa và bát. Lúc này, bạn sẽ thấy bé loay hoay bắt chước người lớn xúc đồ ăn. Ban đầu, bé sẽ rất vụng về và hay cáu vì làm mãi mà không thành công. Bé sẽ phản ứng bằng cách vứt thìa đi, vứt đồ ăn, khóc lóc đòi ra khỏi ghế hoặc lơ luôn cái thìa,chỉ ăn bốc.
Quá trình nhận thức này thông thường mất 2 – 5 tháng
Bé cần hội tụ đủ các kĩ năng về sự phối hợp, sự khéo léo, sự dẻo dai và thể lực thì mới có thể cầm thìa xúc thức ăn, vì vậy, ở những thời điểm này, có thể bé đã hiểu được dùng thìa để làm gì nhưng do chưa chuẩn bị đủ các yếu tố nên có những bé sẽ tạm thời ngừng việc luyện tập lại, quay trở về bốc thức ăn, cho đến lúc sẵn sàng. Vì thế cha mẹ cần kiên trì và không nên thúc ép bé.
Giai đoạn 3: Luyện tập
Sau thời gian vụng về ban đầu thì bé sẽ dần dần hứng thú,biết và chịu dùng thìa xúc đồ ăn dù vẫn còn 8 phần rơi, 2 phần ăn.
Thường thì các bé sẽ thiên về xúc dạng thức ăn (như lỏng, sệt, hoặc khô, nát), những dạng thức ăn mà bé cho là dễ xúc hơn cả. Sau khi thành thạo với các dạng đồ ăn đó thì bé mới chuyển sang luyện xúc dạng thức ăn
Quá trình luyện tập thông thường mất tới 3 - 5 tháng
Theo như tài liệu nước ngoài về ăn dặm thông thường (không phải BLW) thì 15 -18 tháng mới là thời gian đa số các bé tập xúc thìa.Vì vậy,nếu con bạn tận 14,15 tháng vẫn thờ ơ với chiếc thìa thì cũng đừng lo lắng quá,có thể các bé là những “bông hoa nở muộn” mà thôi.
Giai đoạn 4: Kĩ năng thành thạo
Tùy vào khả năng của từng bé mà thời gian bé tập luyện với thìa sẽ lâu hay mau.Tuy nhiên,phần lớn các bé sẽ sử dụng thìa thành thạo trong 18 - 24 tháng tuổi. Mẹ không nên sốt ruột,thúc giục bé và cũng không nên cáu gắt khi thấy bé lóng ngóng, bực bội.
Hãy nhớ lại những ngày đầu tiên bé tập cầm thức ăn, đưa lên miệng, nhai và nuốt. Bé cũng đã rất lóng ngóng phải không nào? Tập bốc, nhai, nuốt đã khó như thế, tập thìa lại càng khó khăn hơn gấp bội lần, nên hãy cho bé thật nhiều thời gian bố mẹ nhé !
Bố mẹ cần hỗ trợ bé như thế nào?
-
Kiên trì và đừng tỏ ra nản lòng không thúc giục và so sánh bé với các bé cùng tuổi. Cha mẹ hãy dựa vào quá trình tập dùng thìa ở trên để dự đoạn được còn cần gì ở mỗi giai đoạn.
-
Hãy cho con thời gian làm quen với thìa và bát
-
Tạo điều kiện cho con tìm hiểu công dụng của thìa và bát
-
Cung cấp cho con những dụng cụ,món ăn phù hợp để con luyện tập
-
Cỗ vũ, khen thưởng và cảm thông với con
Kĩ năng nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào sự sẵn sàng,sự phối hợp của các bộ phận trong cơ thể. Việc này cũng hoàn toàn không thể hiện rằng bé giỏi hay khéo léo hơn bé khác. Mỗi em bé là một cá thể phát triển độc lập và duy nhất, vì vậy mẹ hãy chỉ nên nhìn vào sự phát triển của con để điều chỉnh cho phù hợp chứ không so sánh với bất kỳ đứa trẻ nào khác và áp đặt lên con mình.
Nếu tin tưởng cho con ăn dặm theo phương pháp BLW thì hãy tin rằng con có đủ khéo léo và tự lập để có thể phát triển và hoàn thiện các kĩ năng sinh tôn cần thiết.
Cha mẹ cũng nên dùng thìa để ăn cơm. Mục đích để giúp bé nhận ra cách sử dụng thìa và để bé bắt chước làm theo.
Có thể chuẩn bị sẵn 4-5 chiếc thìa và nĩa khác nhau để xem bé thích dùng loại nào nhất. Việc sử dụng thìa có thể chia ra làm 2 kĩ năng chính cơ bản :
Một số bé sẽ thích học kĩ năng múc trước khi học được kĩ năng gập cổ tay.Các bé này thường biết xúc thật gọn và khéo trước khi biết đưa đồ ăn vào miệng. Bé sẽ thường làm rơi vãi gần như hết thìa đồ ăn trên đường di chuyển của thìa và gặp khó khăn khi đưa thìa vào miệng. Một số bé khác lại thích học cách điều khiển cánh tay, cổ tay khi đang dùng thìa trước khi học được cách múc đồ ăn. các con khi được cung cấp một thìa đồ ăn đã múc sẵn có thể tự đưa vào miệng rất chính xác, nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi cố gắng tự múc thức ăn lên từ bát.
Việc mẹ cần làm là quan sát và nhận biết bé thuộc nhóm nào để hỗ trợ phù hợp. Khi bé bước vào giai đoạn làm quen, bạn hãy cung cấp 2 kiểu tập thìa để xác định xem con thuộc nhóm bé “múc giỏi” hay bé “đưa vào miệng giỏi”
Cung cấp cho bé 1 bát đồ ăn với nhóm thức ăn dễ xúc như súp, sữa chua hoặc cơm rang, nếu bé múc thức ăn vào thìa tốt nhưng gập cổ tay lóng ngóng, tức là bé thuộc nhóm “múc giỏi”
Nếu bé không thể múc được đồ ăn,hoặc gặp khó khăn khi múc, lúc đó hãy thử đưa một thìa đã có sẵn thức ăn trên đó (ví dụ như cháo hoặc súp) và bé biết cách đưa thìa lên miệng dù vẫn còn ngượng nghịu thì lúc đó có thể coi bé thuộc nhóm “đưa vào miệng giỏi”
Nếu bé chưa múc và đưa vào miệng cũng không sao cả, mẹ hãy cứ kiên trì giới thiệu thìa, bát cùng các món ăn dễ xúc cho con. Hoặc có thể chuyển cho con tập dùng nĩa trước.
Đối với các bé thiên về kĩ năng múc
-
Mẹ nên cung cấp cho bé một chiếc thìa đã có sẵn các món “bám dính tốt” như xôi,cháo đặc,khoai nghiền,sinh tố … vì những món ăn này sẽ khó bị rơi rớt nhưng vẫn còn dính một ít lên thìa khi bé di chuyển tay lên miệng và bé sẽ dễ dàng học được cách điều khiển chỉnh tay cho phù hợp mà không lo thức ăn bị rơi ra hết.
-
Khi bé đã học được cách điều chỉnh tay chính xác với chiếc thìa có sẵn thức ăn “dính”,mẹ có thể cho bé ăn thử tự “múc”các món lỏng,dễ xúc hơn như súp,canh rồi tiếp đó là đến các món rời như cơm rang, thịt băm, rau băm nhỏ để tăng độ khó và tập luyện thêm sự khéo léo cho trẻ.
-
Thức ăn dạng dẻo, quá dính như cơm dẻo, xôi tuy khó rơi vãi nhưng lại khó xúc vào thìa, Nên nếu mẹ chọn cách xúc sẵn cho con thì sau khi bé đã biết đưa thức ăn lên miệng rồi thì mẹ nên tránh để bé tiếp xúc với dạng này vì dễ làm bé cáu do xúc mãi thức ăn không được.
Đối với các bé thiên về kĩ năng gập cổ tay
-
Bạn hãy cho bé tập sử dụng nĩa trước với các món ăn dạng viên hoặc miếng nhỏ như cà rốt, thịt viên, xoài…
-
Ban đầu là chiếc nĩa có xiên sẵn thức ăn,sau khi bé đưa thức ăn vào miệng thành thạo thì bạn hãy để cho bé tự xiên (bạn cần phải luôn ở bên cạnh bé khi bé sử dụng nĩa và không cho bé cầm nĩa khi đã ra khỏi ghế ăn) Các bé trong nhóm này có thể rất nhanh chóng biết cách xiên thức ăn vào nĩa và tự đưa lên miệng chính xác mà hầu như không gặp mấy trở ngại. Dần dần, khi bé khéo léo hơn, mẹ có thể thay nĩa bằng thìa, sử dụng một vài món ăn dạng sệt, dễ “dính” như bí đỏ nghiền,.. để giúp bé học cách múc lên gọn gàng.
-
Không có bằng chứng nào về việc liệu bé biết múc trước hay bé gập cổ tay trước sẽ nhanh học được cách sử dụng thìa thành thạo hơn.
-
Dần dà, khi bé khéo hơn,mẹ có thể cho bé cầm các loại thìa nĩa khác nhau,thêm thực đơn đa dạng từ thức ăn đặt sẵn lên thìa,tới được để trong bát… hoặc cho bé tự chọn thìa,nĩa của mình, cùng mẹ dọn bàn ăn khi tới bữa ăn để bé thêm hào hứng và CHỨNG TỎ vai trò của bé rất quan trọng.
Với mỗi một thìa xúc thành công vào miệng, kể cả làm rớt ra ngoài cũng đừng mắng mỏ bé, hãy coi việc đó là bình thường và để bé luyện tập tiếp. Nên nhớ, kiên trì và tin tưởng bé là nguyên tắc chủ đạo giúp bố mẹ và bé thành công. Như vậy, thay vì sốt ruột, theo Ăn dặm 3in1 bạn nên chờ đợi và khen ngợi bé ngay khi có thể:
-
Khi bé biết cách cầm thìa đúng, hãy khen bé
-
Khi bé không vứt bát và thìa đi nữa, mà chăm chú khám phá, hãy khen bé
-
Khi bé cố gắng bắt chước bố mẹ, ăn trong bát, tiếp xúc thức ăn lên, dù không thành công, hãy khen bé
-
Khi bé xúc được thìa thức ăn đầu tiên lên, hãy khen bé
Tránh sửa tư thế cầm thìa của con hay cầm tay con để xúc thìa rồi đưa lên miệng vì đa số các bé thích tự làm hơn bị điều khiển,nên nếu ép con làm theo ý mình,rất có thể bé sẽ phản kháng bằng cách “hit – le” thìa đấy.
Chấp nhận sự bừa bộn và bẩn thỉu:
Tập thìa là giai đoạn bé và mẹ lem nhem, bẩn thỉu nhất trong các giai đoạn BLW. Ban đầu, có thể bé sẽ hất đổ thức ăn ở trong bát đi. Tiếp theo khi tập thìa, do chưa điều khiển được đôi tay làm chủ theo ý mình, nên vừa lúc bé xúc được thìa lên thì liền hất văng thức ăn đi chỗ khác hoặc rớt xuống bàn, sàn nhà, hoặc bé múc được thức ăn, có thể đưa được lên miệng rồi thì lại lệch hướng, đưa lên mũi, cổ, thậm chí có thể lên tận mắt, đầu.
Có khi bé quăng luôn cái thìa, dùng cả bàn tay để bốc các thức ăn lỏng, rồi “làm đẹp” cho mình bằng cách bôi trát thức ăn lên đầy, mặt, cổ. Chính vì sự bừa bộn này mà câu chuyện mẹ cho con ăn phải giải quyết vấn đề này, bạn cũng có thể sử dụng một số mẹo nhỏ sau:
-
Hãy lót giấy báo hoặc tấm bạt xuống dưới ghế ăn của con, trải càng rộng càng tốt.
-
Cho con mặc áo yếm có tay và quàng một chiếc khăn lên đầu con. Nếu vào mùa đông Hãy chuẩn bị một vài chiếc áo khoác cũ để con mặc lúc ăn và cho con đội mũ khi ăn
-
Nếu con tập thìa vào mùa đông, hãy tìm hiểu về loại sữa tắm và dầu gội khô, có bán ở các cửa hàng mẹ & bé để tắm, gội cho con bớt bẩn mà không buộc phải cởi quần áo của con ra
Các món ăn bổ trợ cho việc tập xúc dễ dàng
-
Các món ăn bám dính tốt với thìa: súp đặc, cháo đặc , xôi, cơm dẻo, các loại rau củ nghiền trộn sữa như khoai lang nghiền, đậu nghiền,
-
Các món lỏng, sệt: trái cây nghiền, canh, sữa, nước lọc, nước hoa quả, sinh tố, cháo loãng, súp loãng, sữa chua, cơm chan canh (không khuyến khích), nước trái cây (hạn chế) canh mỳ hoặc bún cắt nhỏ
-
Các món khô: cơm rang, xôi vò, cốm, ngũ cốc ăn sáng, thịt băm xào, trứng bác, tép rang/xào, ngô xào.
Các trò chơi hỗ trợ kĩ năng
Ngoài thời gian tập luyện trên bàn ăn,để giúp con tự tin hơn với kĩ năng cầm thìa, bạn cũng có thể tạo ra các trò chơi hỗ trợ tập xúc thìa trong thời gian vui chơi của con, dưới đây là gợi ý một số trò chơi hỗ trợ kĩ năng
Trò chơi 1: chúng mình cùng xúc với nhau nhé.
Trò chơi 2: đút cho búp bê
Trò chơi 3: tập xúc nước, xúc hạt trong nước
Trò chơi 4: tập xúc hạt đậu
Trò chơi 5: tập xúc pom pom (quả bóng làm bằng bông)
Trò chơi 6: đào kho báu.