Khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô hiện nay đã phát triển cả về "lượng" và "chất", luôn tiên phong đổi mới và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế. Thành quả đó có được từ sự nhất quán, kiên trì trong thực hiện chủ trương coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong mọi giai đoạn.
|
Tinh thần cùng tiến từ bình dân học vụ. |
Xác định phát triển giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước, các cấp lãnh đạo của Thủ đô Hà Nội qua các nhiệm kỳ đại hội luôn chú trọng phát triển ngành giáo dục, đào tạo về quy mô, chất lượng và hiệu quả.
|
Trải qua 70 năm kể từ ngày 9/10/1954 - ngày Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến nay, ngành giáo dục Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc và theo xu hướng ngày càng toàn diện. Những ngày đầu thành lập, mạng lưới trường học của Thủ đô còn nghèo nàn, cả thành phố Hà Nội lúc đó chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, một số lớp đào tạo nghề thủ công và kỹ nghệ thực hành. Với những ngày đầu còn sơ khai như vậy, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của toàn dân, quy mô ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục ổn định và phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương có mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, dẫn đầu cả nước.
|
Giải phóng Thủ đô (10/10): Mở ra giai đoạn mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến. |
Ngay sau khi tiếp quản, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban vận động thanh toán nạn mù chữ. Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban, trong đó có quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo - dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, với sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, chung sức nỗ lực của Nhân dân, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội ngày càng đạt kết quả tốt, tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đến nay, Hà Nội là một trong số ít các địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" được ban hành đã tác động mạnh mẽ, toàn diện đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô. Thực hiện Nghị quyết này, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, trong đó nêu rõ mục tiêu của từng cấp học; các giải pháp trọng tâm, cách thức thực hiện, phân công trách nhiệm, trong đó khẳng định rõ quan điểm "giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội".
Thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục như Chương trình số 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020" (giai đoạn 2021 - 2026 là Chương trình số 06-CTr/TU). HĐND thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW bằng nhiều nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND về việc thông qua quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
| |
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dù rất nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội tiếp tục dành sự quan tâm cho sự nghiệp giáo dục bằng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù như hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở khu công nghiệp; hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục tư thục, dân lập; hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục... Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp người lao động trong ngành thêm động lực yêu nghề, gắn bó với nghề và quyết tâm khắc phục khó khăn và cùng góp sức tạo nên thành quả hôm nay.
|
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội và văn hóa của Thủ đô, ngành Giáo dục và Đào tạo ngày càng mở rộng về quy mô và khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng. Năm học 2008 - 2009, dù nhiều khó khăn của năm học đầu tiên sau khi mở rộng địa giới hành chính, song Hà Nội có 107 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, là đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng giải và số học sinh đạt giải Nhất (7 giải Nhất). Kết quả này được duy trì liên tục từ đó tới nay và ngày càng khởi sắc. Năm học 2023 - 2024, năm học hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành, thầy và trò các nhà trường tiếp tục gặt hái nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
|
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, cùng với sự phát triển bền vững của Thủ đô, ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển mạnh về quy mô, chất lượng. Toàn thành phố hiện có 2.913 trường học với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 cán bộ, giáo viên. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có sự khởi sắc.
Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố). Đáng chú ý, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở khối giáo dục thường xuyên Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước. Đây là kết quả cao nhất của Hà Nội trong 5 năm qua ở ngành học giáo dục thường xuyên. Với ngành học còn nhiều khó khăn (cơ sở vật chất hạn chế, nhiều học viên lớn tuổi, vừa đi học vừa đi làm...), đây là minh chứng cho sự kiên trì nỗ lực của cả người học, người dạy cũng như hiệu quả đầu tư của thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà một cách bền vững và toàn diện.
| |
| |
Năm 2024 cũng là năm học sinh Hà Nội có sự bứt phá mạnh mẽ khi có 2 học sinh giành Huy chương vàng Olympic sinh học và hóa học quốc tế. Mới đây nhất, trong kỳ thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế diễn ra tại Brazil từ ngày 17 đến 27/8 với sự tham gia của gần 300 học sinh đến từ 53 quốc gia, vùng lãnh thổ, cả 5 học sinh Hà Nội đều xuất sắc giành huy chương, gồm 2 Huy chương bạc và 3 Huy chương đồng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, 100% thành viên đoàn dự thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế của Việt Nam đều đạt huy chương, kể từ khi tham dự kỳ thi này lần đầu tiên vào năm 2016 đến nay.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2024 - 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển, cũng là năm học quyết định việc thực hiện và hoàn thành thắng lợi các nghị quyết của Đảng, trong đó có chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mạng lưới trường học lớn, quy mô học sinh tăng trong khi yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi của xã hội ngày càng đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, với kết quả đạt được và sự quan tâm thiết thực của cả hệ thống chính trị thành phố, thầy và trò tự tin tiếp tục gặt hái nhiều thành quả mới, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô trong chặng đường tiếp theo.