1. Khái niệm bạo lực trên cơ sở giới
Thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” được sử dụng để phân biệt bạo lực thông thường với bạo lực nhằm vào các cá nhân hoặc nhóm cá nhân trên cơ sở sự phân cấp quyền lực do những khác biệt giới gây nên và ngoài phụ nữ thì nam giới và trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR 2003) sử dụng thuật ngữ bạo lực trên cơ sở giới dựa trên Điều 1 và 2 của Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ năm 1993 và Đề xuất thứ 19, đoạn 6 của Kỳ họp thứ 11 Hội đồng CEDAW. Theo đó, bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe doạ dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó...
Bạo lực trên cơ sở giới được hiểu là bao gồm nhưng không giới hạn ở những hình thức sau:
a) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong gia đình bao gồm đánh đập, bóc lột tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, cưỡng hiếp trong hôn nhân, làm tổn thương bộ phận sinh dục phụ nữ, và những phong tục truyền thống khác tổn hại đến người phụ nữ, bạo lực ngoài mối quan hệ vợ chồng và bạo lực liên quan đến sự bóc lột.
b) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong cộng đồng bao gồm cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, đe doạ và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tại các cơ sở giáo dục, và bất kỳ đâu, buôn bán phụ nữ và ép buộc hoạt động mại dâm.
c) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý gây ra bởi hoặc được bỏ qua bởi nhà nước và các tổ chức nơi bạo lực xảy ra, ví dụ như ngăn cản phụ nữ đi bỏ phiếu, lái xe hoặc tham gia làm việc trên thị trường lao động.
Mặc dù, nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song chủ yếu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Những thiệt hại do bạo lực giới gây ra trong nhiều trường hợp là rất lớn, gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần như chi phí chăm sóc sức khỏe, thiệt hại tài sản của hộ gia đình, mất thu nhập.
Theo một số tác giả, có 4 yếu tố dẫn đến khả năng xuất hiện bạo lực trên cơ sở giới. Đó là: (1) Bất bình đẳng kinh tế; (2) Tồn tại hình thức sử dụng bạo lực thể chất để giải quyết xung đột; (3) Sự thống trị và kiểm soát của nam giới trong quá trình ra quyết định; (4) Hạn chế khả năng tham gia công việc ngoài xã hội của phụ nữ (Bernedette Muthien & Helene Combrinck, 2011).
Bạo lực đối với phụ nữ là một trong các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, vì cho đến nay phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và bị tác động nặng nề nhất do bạo lực trên cơ sở giới gây ra cho nên thuật ngữ “bạo lực đối với phụ nữ” và “bạo lực trên cơ sở giới” thường được sử dụng như nhau trong nhiều tài liệu.
Cho đến nay, trong văn bản chính thức ở Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới. Luật Bình đẳng giới 2006 đã đề cập đến thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới”(1), tuy nhiên, hành vi này không được định nghĩa trước đó. Bên cạnh đó, các hành vi bạo lực giới trong gia đình cũng được qui định tại Điều 41 Luật Bình đẳng giới 2006. Cho dù không nêu ra định nghĩa chính thức, về cơ bản, trong các chính sách sử dụng ở Việt Nam, khái niệm bạo lực giới được hiểu như định nghĩa đã được Liên hợp quốc nêu ra.
2. Khung luật pháp, chính sách ở Việt Nam cho vấn đề bạo lực trên cơ sở giới
Chính phủ Việt Nam được đánh giá là chính phủ đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ. Chính phủ đã phê chuẩn Công ước CEDAW năm 1982 và ký kết nhiều Hiệp ước và Công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bạo lực giới. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện và báo cáo về việc thực hiện Công ước CEDAW cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã góp phần tạo ra một khuôn khổ luật pháp và chính sách để giải quyết tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam (UNFPA, 2012) mặc dù Việt Nam chưa có một quy định pháp lý chung về bạo lực trên cơ sở giới.
Trong giai đoạn từ 2004 đến nay, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến bạo lực giới đã được thông qua, như Chương trình quốc gia phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em 2004; Luật Bình đẳng giới 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007; Kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) giai đoạn 2008-2015;... Các văn bản quy phạm pháp luật này đã cải thiện đáng kể khung pháp lý và chính sách liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.
Phần dưới đây sẽ trình bày các quy định pháp luật, chính sách ở Việt Nam về các biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới. Các biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới được phân thành hai nhóm chính: bạo lực giới trong phạm vi gia đình (bạo lực gia đình, ép buộc hôn nhân, lựa chọn giới tính khi sinh...) và bạo lực giới trong cộng đồng (buôn bán phụ nữ và trẻ em, quấy rối tình dục, mại dâm...).
2.1. Luật pháp, chính sách về bạo lực giới trong phạm vi gia đình
Phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới
Các qui định pháp luật về bạo lực gia đình được thể hiện trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007) và các văn bản pháp luật khác như Luật Bình đẳng giới (2006), Bộ luật Dân sự (1995), Bộ luật Hình sự (1999), Luật Hôn nhân và Gia đình (2000), Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em 2004)…
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa ra định nghĩa về bạo lực gia đình và chỉ ra chín loại hình hành vi bạo lực gia đình (Điều 1 và Điều 2). Các qui định pháp luật về bạo lực gia đình của Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Các qui định pháp luật về phòng ngừa bạo lực gia đình
Theo quy định pháp luật, các hoạt động phòng ngừa bạo lực gia đình gồm: thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình. Điều 11 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình qui định khá rõ về các hình thức truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình(2)
- Các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Các qui định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được thể hiện tại Điều 42, 43, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử lý hành chính về các hành vi bạo lực gia đình được qui định cụ thể trong Nghị định 110/2009/NĐ-CP. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi bạo lực gia đình được qui định chi tiết tại nhiều điều của Chương VII, trong Bộ luật Hình sự.
- Các qui định pháp luật về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình
Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ khỏi hành vi bạo lực gia đình bằng các biện pháp: buộc người gây bạo lực chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình; xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với người có hành vi bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, nạn nhân bạo lực gia đình được hỗ trợ chăm sóc y tế, tư vấn và hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu.
Phòng, chống những hủ tục gây hại đối với phụ nữ như tảo hôn, hôn nhân ép buộc, lựa chọn giới tính thai nhi.
Luật Hôn nhân và Gia đình đã qui định rõ về khái niệm “cưỡng ép hôn nhân” và “tảo hôn”(3) Điều 146, Bộ luật Hình sự qui định về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng bị pháp luật nghiêm cấm. Điều này được thể hiện rõ trong Pháp lệnh Dân số (2003) và Luật Bình đẳng giới (2006)(4).
2.2. Luật pháp, chính sách về bạo lực giới trong cộng đồng
Các hình thức bạo lực giới phổ biến trong cộng đồng bao gồm cưỡng dâm, quấy rối tình dục, buôn bán người, cưỡng ép làm gái mại dâm. Phần viết này sẽ tập trung vào các hình thức buôn bán phụ nữ và trẻ em, mại dâm và quấy rối tình dục.
Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em
Tại Việt Nam, buôn bán phụ nữ và trẻ em bị nghiêm cấm. Tuy vậy, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn đã và đang diễn ra cả ở trong và ngoài nước. Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em từ năm 2004-2010 cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán qua biên giới dưới nhiều hình thức như môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi... (Ban chỉ đạo 130/CP 2009).
Nhận thức được hiểm họa và nguy cơ của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, Việt Nam đã tham gia nhiều văn kiện quốc tế nhằm chống lại nạn buôn người và đã hợp tác với nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước khu vực Đông Nam á, các nước tiếp giáp với biên giới Việt Nam, trong phòng chống buôn bán người.
Trong công tác lập pháp, nhà nước Việt Nam đã có những mối quan tâm đặc biệt trong việc tạo ra một khung pháp lý để chống lại nạn buôn bán người nói chung và buôn bán phụ nữ nói riêng. Trong đó có Bộ luật Hình sự (1999), Bộ luật Lao động (sửa đổi 2012), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2006), Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục trẻ em (2004) đã quy định đầy đủ các tội liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em được thực hiện trong quá trình buôn bán người(5). Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật Việt Nam đã hàm chứa các quy định về vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em như Luật Xử lý vi phạm hành chính (2012); Pháp lệnh Phòng chống mại dâm (2003); Luật Hôn nhân và Gia đình (2000) và các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (Luật số 66/2011/QH12) và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người không giới hạn việc mua bán người chỉ đối với phụ nữ và trẻ em, cũng không còn xác định cụ thể việc mua bán người là phải ra nước ngoài hoặc qua biên giới, và có đề cập đến những mục đích mua bán người khác chứ không chỉ mại dâm. Việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người có ý nghĩa chính trị lớn cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tội phạm mua bán người nói chung và phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Để phòng ngừa các hành vi lợi dụng việc kết hôn, môi giới hôn nhân để buôn bán người, pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài đã có những quy định cụ thể và chi tiết về trình tự, thủ tục kết hôn. Việc đăng ký kết hôn sẽ bị từ chối, nếu qua kết quả phỏng vấn, thẩm tra, xác minh cho thấy việc kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; kết hôn giả tạo không nhằm mục đích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; kết hôn không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; lợi dụng việc kết hôn để mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP về quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài (thay thế Nghị định số 68/2002 và Nghị định số 69/2006) có hiệu lực thi hành từ ngày 15.5.2013, trong đó đã nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con nhằm mục đích mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác (Điều 2).
Pháp luật Việt Nam về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được hình thành từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, bắt đầu với những quy định có tính nguyên tắc tại chương IX của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986. Từ đó đến nay, qua một số lần sửa đổi, bổ sung, khung pháp luật về con nuôi quốc tế đã tương đối hoàn thiện. Để bảo vệ triệt để quyền lợi của người được nhận làm con nuôi, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định rõ “Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác”. Các quy định về nuôi con nuôi trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã đảm bảo việc cho và nhận trẻ em làm con nuôi được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em, phòng chống việc lợi dụng nuôi con nuôi để buôn bán, bóc lột trẻ em.
- Các qui định xử lý những hành vi có liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em
Người thực hiện hành vi mua bán người hoặc các hành vi có liên quan đến hành vi này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 1999 có 2 điều luật quy định về hai tội phạm trực tiếp liên quan đến việc buôn bán phụ nữ, trẻ em, đó là: Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Hình phạt đối với các tội phạm này được quy định cụ thể tại các điều 20 và 53 Bộ luật Hình sự(6).
- Các qui định pháp luật bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán
Luật Phòng, chống mua bán người có hai chương qui định về những việc cần thực hiện về “Tiếp nhận, Xác minh xác định, và Bảo vệ Nạn nhân”, có các điều khoản liên quan đến việc đưa hồi hương, tiếp nhận, phục hồi, xác minh, và bảo vệ nạn nhân (chủ yếu là bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp và đảm bảo giữ bí mật thông tin). Luật Phòng, chống mua bán người nghiêm cấm việc “kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân” và “tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân” (Điều 3).
Bộ luật Hình sự cũng có các quy định để bảo đảm cho nạn nhân bị buôn bán, với tư cách là người bị hại hoặc nhân chứng trong vụ án, thực hiện các quyền của mình trong quá trình tố tụng (các Điều 133, 135, 137, 59...).
Không chỉ được bảo vệ, nạn nhân bị mua bán còn được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Pháp luật về vấn đề tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về được quy định cụ thể tại Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về; Thông tư số 116/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh và tiếp nhận nạn nhân; Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐ-TB-XH ngày 08 tháng 5 năm 2008 hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về… Theo qui định pháp luật, các loại hỗ trợ dành cho nạn nhân mua bán người, gồm có: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm l; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã quy định khá đầy đủ về phòng, chống hành vi có liên quan đến buôn bán người, trong đó có buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống mua bán người chưa nêu định nghĩa cụ thể về mua bán người mặc dù đã đưa ra các định nghĩa có liên quan đến mua bán người như: bóc lột tình dục, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động... Đồng thời, trong các văn bản pháp luật cũng không có định nghĩa về “mua bán phụ nữ và trẻ em”. Thực tiễn áp dụng pháp luật cho cách hiểu chung “mua bán phụ nữ , trẻ em” là việc chuyển giao phụ nữ, trẻ em từ một người hoặc một nhóm người sang một người hoặc một nhóm người khác vì mục đích tư lợi (tiền hoặc một lợi ích vật chất khác). Do đó, rất cần phải có định nghĩa pháp lý về mua bán người, đặc biệt phụ nữ trẻ em, trong đó chỉ rõ hành vi, cách thức, mục đích của tội này(7) để không bỏ lọt tội phạm cũng như không trừng trị oan (Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chính phủ, 2012).
Mại dâm
Mại dâm và buôn bán người có quan hệ ràng buộc lẫn nhau, đó là sự đáp ứng giữa yếu tố cung (phía nạn nhân bị buôn bán) và yếu tố cầu (phía cá nhân hoặc tổ chức/cơ sở) bóc lột tình dục của nạn nhân vì nhu cầu và lợi ích của mình. Thực tế buôn bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm hiện nay thường được lấp dưới vỏ bọc của các hoạt động kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”. Nhiều cơ sở kinh doanh đã tìm cách hoạt động biến tướng, trá hình với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng như: hoạt động quá giờ quy định, sử dụng băng đĩa, ca nhạc có nội dung cấm phổ biến; tổ chức múa khoả thân, khiêu dâm, kích dục, làm tình; sử dụng heroin, thuốc lắc; biến địa điểm kinh doanh thành nơi ăn chơi sa đọa; hoạt động mại dâm hoặc môi giới mại dâm,... Chính vì vậy, việc tăng cường phòng, chống tệ nạn mại dâm gắn liền với công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống buôn bán người.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý các hoạt động dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm đã từng bước được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ngăn ngừa tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm. Văn bản quy định tập trung nhất về vấn đề mại dâm là Pháp lệnh phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Các qui định xử lý hành vi vi phạm liên quan đến mại dâm
Pháp lệnh mại dâm đã liệt kê các hành vi liên quan đến mại dâm bị nghiêm cấm, bao gồm: a) mua dâm; b) bán dâm; c) chứa mại dâm; d) tổ chức hoạt động mại dâm; e) cưỡng bức mại dâm; f) môi giới mại dâm; g) bảo kê mại dâm; h) lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm; i) các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật. Các qui định xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến mại dâm được đề cập đến trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (từ Điều 22 đến 29).
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự quy định việc trừng trị các hành vi “chứa mại dâm” (Điều 254), “môi giới mại dâm’ (Điều 255), “giao cấu với người chưa thành niên” (Điều 256). Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 nghiêm cấm “hành vi dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm”.
- Các qui định pháp luật bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân
Người hành nghề mại dâm được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, cho vay vốn và hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh để có thu nhập ổn định. Điều này được qui định tại Điều 10 - Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.
Trước đây, người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh (Điều 23 - Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm). Tuy nhiên, sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội biểu quyết thông qua vào 20/6/2012, biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh đã được bỏ áp dụng.
Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm không quy định biện pháp cụ thể nào về đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm liên quan đến việc được bảo vệ trong những vụ án hiếp dâm và cưỡng bức tình dục khác mà họ rất dễ bị tổn thương trong khi hoạt động mại dâm. Cũng không có quy định cụ thể nào bảo đảm không phân biệt đối xử đối với phụ nữ bán dâm khi cung cấp dịch vụ cơ bản và bảo đảm việc tiếp cận quyền của các đối tượng này. Nếu có quy định rõ ràng về những vấn đề trên thì sẽ nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm không phân biệt đối xử đối với những đối tượng này vì phụ nữ bán dâm thường phải chịu nhiều sự kỳ thị. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến quyền của người bán dâm. Nó bao gồm những quyền cơ bản của con người như quyền được tiếp cận dịch vụ y tế, quyền giáo dục và các quyền cụ thể phù hợp với hoàn cảnh của họ như quyền được hỗ trợ đặc biệt để khởi kiện, bảo vệ bí mật đời tư và những quyền khác (UNIFEM, 2009).
Quấy rối tình dục
Tại Việt Nam, nạn nhân của quấy rối tình dục chủ yếu là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối. Các hình thức thể hiện của quấy rối tình dục rất đa dạng, bao gồm những lời lẽ tán tỉnh, trăng hoa; những lời lẽ thô tục, phản văn hóa; những lời lẽ kích dục, nhắn tin bằng điện thoại, đụng chạm thể xác, đề nghị quan hệ tình dục, cưỡng ép quan hệ tình dục. Hình thức phổ biến nhất là bằng lời nói. Quấy rối tình dục có thể diễn ra ở nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế và những nơi công cộng khác.
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật định nghĩa chi tiết về quấy rối tình dục. Tuy vậy, một vài văn bản pháp luật đã thể hiện tinh thần nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi công cộng như dẫn ra dưới đây.
Quấy rối tình dục tại cơ sở y tế: Điều 27.2 Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4-2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (8).
Quấy rối tình dục tại trường học: Điều 75.1 Luật Giáo dục 2005 nghiêm cấm giáo viên xâm phạm danh dự, nhân phẩm hoặc thân thể người học.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Trước khi Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung năm 2012 được thông qua, chưa có quy định cấm hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Chỉ có thể tìm thấy các quy định chung về tổn hại với cuộc sống, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và bạo lực trên cơ sở giới như Điều 111 Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung 2007, Điều 10 Luật Bình đẳng giới và các Điều 104, 110, 121, 122 Bộ luật Hình sự.
Lần đầu tiên quấy rối tình dục tại nơi làm việc được pháp luật điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012. Bộ Luật này nghiêm cấm quấy rối tình dục với 4 điều có liên quan: Điều 8 quy định nghiêm cấm “ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”; Điều 37 quy định “người lao động bị quấy rối tình dục”có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”; Điều 182 quy định người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ “tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục” và Điều 183 nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động giúp việc gia đình “ngược đãi, quấy rối tình dục” đối với lao động là người giúp việc gia đình.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 là một bước tiến vượt bậc nhằm đảm bảo một môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, tuy nhiên lại thiếu một định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục. Những điều khoản của pháp luật liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ không được thực hiện hiệu quả và không đi vào cuộc sống nếu không có sự giải thích rõ ràng “quấy rối tình dục” là gì và phải hiểu “tại nơi làm việc” như thế nào. Pháp luật quy định người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhằm bảo vệ người lao động. Nhưng khi thiếu một định nghĩa rõ ràng về quấy rối tình dục thì có thể dẫn đến tranh chấp lao động khi điều khoản này được viện dẫn. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với quy định người lao động giúp việc gia đình có nghĩa vụ tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ILO, 2012).
Nhìn chung, hiện này còn thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng, bao gồm các định nghĩa, trách nhiệm (cả pháp lý và tài chính) của người có hành vi quấy rối tình dục, thủ tục để xử lý và các biện pháp khắc phục và xử phạt. Cần có một văn bản qui định rõ ràng về các nội dung này. Đặc biệt cần xây dựng các qui định về cấm quấy rối tình dục ở trường học vì hiện chưa có một qui định nào về vấn đề này.
3. Một số vấn đề cần quan tâm
Rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến bạo lực giới ở Việt Nam cho thấy quan điểm của Chính phủ Việt Nam là nghiêm cấm các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tuy vậy, vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể, rõ ràng về bạo lực trên cơ sở giới cũng như những các biểu hiện của nó.
Cần có định nghĩa rõ ràng về bạo lực trên cơ sở giới trong các văn bản chính sách và luật pháp. Trong thực tế có thể sử dụng định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới do Liên hiệp quốc đề xuất, theo đó, “bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe doạ dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó. Bạo lực trên cơ sở giới có thể xảy ra ở phạm vi gia đình, cộng đồng, và trong các tổ chức. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở, tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và bị tác động nặng nề nhất do bạo lực trên cơ sở giới do nam giới gây ra”.
Căn cứ theo định nghĩa của Liên hiệp quốc về bạo lực trên cơ sở giới, có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng hành lang pháp lý quy định, xử lý các hành vi là biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới, như bạo lực giới trong gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em, quấy rối tình dục… nhằm đảm bảo môi trường sống và làm việc lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em gái. Tuy vậy, việc qui định chi tiết về các biểu hiện cụ thể của bạo lực trên cơ sở giới để xác định rõ các hành vi vi phạm còn hạn chế.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là việc thực thi các chính sách liên quan đến phòng chống bạo lực giới. Thách thức chính trong thực thi chính sách là công tác phối hợp và giám sát và vấn đề kinh phí. Bên cạnh đó, cần thiết triển khai hoạt động thu thập dữ liệu về bạo lực giới một cách có hệ thống và ở quy mô quốc gia để phục vụ cho các phân tích chính sách một cách kịp thời bởi lẽ dữ liệu để đánh giá xem chính sách và hành động nào là hiệu quả nhất trong việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là rất ít. Đặc biệt cần tiến hành nghiên cứu trên quy mô lớn một số hình thức bạo lực trên cơ sở giới còn ít được quan tâm như quấy rối tình dục nơi làm việc, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái, mua bán phụ nữ và trẻ em gái.
Chú thích
(1) Cụ thể tại Điều 10, trong số các hành vi bị nghiêm cấm thì có “bạo lực trên cơ sở giới”.
(2) Truyền thông trực tiếp, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông qua lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân, truyền thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa quần chúng. Khi thành viên gia đình có mâu thuẫn, tranh chấp, gia đình có trách nhiệm kịp thời phát hiện và hòa giải. Trường hợp gia đình không hòa giải được hoặc có yêu cầu, dòng họ hoặc cơ quan tổ chức có trách nhiệm sẽ tham gia vào công tác hòa giải.
(3) “Cưỡng ép kết hôn là hành vi buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ“ (Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình).
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên) (Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình).
(4) Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số nghiêm cấm “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”. Điều 13 và 14 của Pháp lệnh, quy định rõ “Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải bảo đảm sự cân đối về giới tính”. Khoản 7, Điều 40, Luật Bình đẳng giới nghiêm cấm việc “lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi”.
(5) Điều 119 và 120 Bộ luật Hình sự và Điều 8.6 Nghị định về thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
(6) Phạt tù đến 07 năm đối với tội mua bán phụ nữ và phạt tù đến 10 năm đối với tội mua bán trẻ em). Phạm tội trong các trường hợp có tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm, để đưa ra nước ngoài hoặc mua bán trẻ em để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo... thì hình phạt có thể lên đến 20 năm tù (đối với tội mua bán phụ nữ) và 20 năm tù hoặc tù chung thân (đối với tội mua bán trẻ em). Ngoài việc bị phạt tù, người phạm các tội mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em còn có thể bị phạt tiền bổ sung. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất và mức độ tham gia của mình vào việc thực hiện tội phạm.
(7) Tham khảo luật của một số quốc gia về phòng chống mua bán người, cũng như Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị mua bán người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cho thấy mục đích “để bóc lột” là một yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm mua bán người.
(8) Phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: lợi dụng nghề nghiệp để có hành động quấy rối tình dục đối với bệnh nhân.