Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô đã truyền đạt kiến thức và trao gửi những giá trị quý báu (Ảnh: Sưu tầm)
Mỗi năm, vào ngày 20/11 ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là thời khắc vinh danh sự hết lòng của những người truyền đạt tri thức, lan tỏa tinh thần biết ơn và tôn vinh sự đóng góp vô giá của các thầy cô giáo. Trong bài viết mới lần này, Vinpearl sẽ đồng hành cùng bạn tìm hiểu những thông tin chi tiết về ngày đặc biệt này.
1. Ngày 20/11 là ngày gì?
Ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam hay còn được gọi là Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, trong tiếng Anh là Vietnam Teacher's Day. Đây là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và được coi là ngày tôn vinh những người dạy học và những cá nhân có liên quan đến hệ thống giáo dục, mang tinh thần "tôn sư trọng đạo” tới những người truyền đạt tri thức quý báu cho thế hệ mai sau.
Theo đó, ngày 20/11 ngày Nhà giáo Việt Nam trong năm 2023 theo Dương lịch sẽ diễn ra vào thứ 2, tức là nhằm vào ngày 08/10/2023 Âm lịch. Có thể bạn chưa biết, vào năm nay cũng là dịp kỷ niệm 41 năm ngày này kể từ 20/11/1982.
Ngày 20 tháng 11 là dịp lễ tôn vinh tri thức và sự đóng góp của những người công tác trong ngành giáo dục (Ảnh: Sưu tầm)
2. Nguồn gốc, lịch sử ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình lịch sử ngày 20/11 tôn vinh người truyền đạt tri thức đã bắt đầu từ tháng 1/1946, khi một tổ chức quốc tế mang tên FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants) ra đời tại thủ đô Pháp để tập hợp các công đoàn giáo dục trên toàn thế giới.
Sau 3 năm, vào năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, FISE ban hành bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Hiến chương không chỉ thể hiện cuộc chiến đấu chống lại hệ thống giáo dục bị chi phối bởi tư bản và phong kiến, mà còn nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng hệ thống giáo dục tốt đẹp và bảo vệ quyền lợi của người dạy.
Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập FISE, tham gia vào cuộc họp tại Ba Lan vào tháng 8/1957. Ngày 20/11/1958, Việt Nam tổ chức ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên tại miền Bắc và sau đó tại nhiều vùng giải phóng miền Nam.
Năm 1982, Bộ giáo dục và đào tạo đã có đề nghị chính thức đến Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Lễ kỷ niệm ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức hết sức long trọng tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội vào ngày 20/11/1982.
Đến khi thống nhất đất nước, ngày 20/11 diễn ra mỗi năm và trở thành ngày truyền thống của nghề giáo. Năm 1982, ngày này chính thức trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam và được tổ chức trọng thể trên toàn quốc.
Nguồn gốc ngày 20/11 tôn vinh sự hiến dâng và đóng góp của các nhà giáo (Ảnh: Sưu tầm)
3. Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Từ lâu, ngày 20/11 không chỉ là ngày hội riêng của ngành giáo dục mà đây còn là một ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Việt Nam, là ngày "tôn sư trọng đạo” nhằm tôn vinh những “người lái đò thầm lặng”, những người hoạt động trong ngành giáo dục. Ý nghĩa ngày 20/11 là dịp kỷ niệm thường niên của nghề giáo Việt Nam, là thời điểm đặc biệt cho thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn và tôn trọng đối với thầy cô. Dù còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã bước ra ngoài xã hội, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là cơ hội để gửi đến thầy cô những lời chúc tốt đẹp và những món quà ý nghĩa.
- Dịp để tri ân công lao thầy cô giáo và nghề nhà giáo: thầy cô giáo là những người đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm tri thức, đào tạo ra những thế hệ tương lai của đất nước. Họ là những người đã hy sinh nhiều công sức, tâm huyết để truyền đạt kiến thức, định hình nhân cách, giúp cho các thế hệ học trò phát triển toàn diện. Đây chính là dịp để học sinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của thầy cô.
- Thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn đời của dân tộc: với một dân tộc có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo tốt đẹp từ ngàn đời, ngày 20/11 cũng là dịp bày tỏ và thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết tinh thần đó: tôn trọng, biết ơn thầy cô & coi trọng những đạo lý, học vấn được thầy cô chỉ dạy.
- Là dịp để ngành giáo dục nhìn lại, đánh giá hiệu quả và có những phương hướng mới: một ý nghĩa to lớn khác của ngày này là để tôn vinh ngành giáo dục cũng như những người đang thầm lặng cống hiến cho công cuộc trồng người của dân tộc, đồng thời nhìn lại những kết quả hoạt động trong 1 năm của toàn ngành, tiếp tục đưa ra những phương hướng và đổi mới cho những năm sau.
- Học sinh trao tặng hoa và lời chúc đến các giáo viên trong ngày 20/11 (Ảnh: Sưu tầm)